Là người thích đọc sách, tôi cũng dễ sa đà vào việc mua sách mới mà hiếm khi hoàn thành được cuốn nào. Sau khi kinh qua rất nhiều phương pháp để "tập gym" cho não, cải thiện sự tập trung và kỹ năng đọc hiểu, tôi như vớ được vàng khi bắt gặp góc nhìn của bài viết này, bàn từ chuyện lựa cho tới chuyện đọc.
Trong thời điểm giãn cách xã hội, khi mà mọi sinh hoạt học tập & giải trí đều bị giới hạn, tôi biết nhiều người coi sách là bạn. Mà bạn có nhiều kiểu, thì sách cũng vậy. Sách có nhiều loại nên ta cũng cần phát triển cho một bộ khung kiến thức & phương pháp đọc tương xứng, để việc đọc sách luôn cuốn và bản thân ta học được nhiều nhất những trang giấy đó.
Vô chủ đề chính, xin đãi bạn "03 kinds of non-fiction book" trên trang The Common Blog mà tôi dịch lại, coi tiếp nha.
⏤ ♣︎ ⏤
Có 03 thể loại sách: kể chuyện, tường thuật (narrative), sách thân cây (tree) và sách cành cây (branch). Hai khái niệm cuối do tôi chế ra, để dễ liên tưởng và hệ quả là dễ nhớ.
Phân loại sách có ích lợi gì?
Bạn có đồng ý với tôi không: (1) Không phải sách nào cũng nên đọc. Và (02) không nên đọc mọi đầu sách một kiểu cứng nhắc. Phân loại sách đã giúp tôi rất nhiều trong việc tiết kiệm tiền bạc và thời gian. Còn đây là định nghĩa & kiểu đọc của mỗi loại:
01. Narrative book
là loại sách kể chuyện. Tiêu biểu cho loại này là các đầu sách về hồi ký, ký sự và các loại sách lịch sử.
02. Tree book
Sách thân cây bày cho bạn một cái khung suy nghĩ với rất nhiều ý tưởng. Điển hình là cuốn Tư duy nhanh và chậm (Thinking: Fast & Slow) của Daniel Kahneman. Quyển này là công trình nghiên cứu cả đời người về khoa học hành vi & kinh tế được cô đọng lại trong một cuốn sách, đủ để hiểu hàm lượng chất xám và khối lượng kiến thức của nó lớn cỡ nào. Hai cuốn tree book khác mà tôi cũng muốn nói tới là High output management của Andy Grove và Principles của Ray Dalio.
03. Branch book
Sách cành cây là thứ sách chiếm đa số trên thị trường non-fiction (tạm gọi là phi hư cấu cho tới khi nghĩ ra cái tên nào đỡ hư cấu hơn). Mỗi cuốn xoay quanh một và chỉ một ý tưởng. Từ một ý tưởng mà viết thành một cuốn sách? Dạ, các nội dung còn lại trong sách sẽ là ví dụ, lập luận và góc nhìn của tác giả xoay quanh ý tưởng đó. Tôi ví dụ toàn bộ nội dung cuốn Antifragile (hơn 500 trang) có thể túm gọn trong một câu sau: Thế giới được kiến tạo bởi 03 kiểu hệ thống, thứ nhất là hệ thống mỏng manh (fragile) - rất dễ vỡ; thứ hai là hệ thống kiên cố (robust) - khó vỡ; và hệ thống anti-fragile (khỏi dịch) - càng bị tác động lại càng mạnh mẽ (điển hình là hệ thống dân chủ). Phần còn lại của cuốn sách tràn ngập những câu chuyện, lập luận và minh chứng cho ba hệ thống này.
Tôi dùng hai hình ảnh thân cây và cành cây vì nó dễ liên tưởng: cành là một bộ phận mọc ra từ thân. Cá nhân tôi luôn bắt gặp những ý tưởng trong cuốn High Output Management của Andy Grove được lặp đi lặp lại trong các cuốn sách về quản lý khác. Xin mạnh dạn đưa ra ví dụ về Radical Candor, một cuốn sách bao hàm dẫn chứng chi tiết cho các ý tưởng đã được nhắc đến trong cái khung (framework) của HOM. Một dẫn chứng khác là các tựa sách của nhà tâm lý học Dan Ariely cũng dựa nhiều vào nền tảng của Daniel Kahneman.
Về chuyện tóm sách
Ý tưởng cốt lõi của những tựa sách thuộc kiểu branch book như Antifragile có thể dễ dàng tóm gọn trong một câu. Các luận điểm chính cũng dễ dành nắm bắt khi đọc tóm tắt. Nếu bạn quan tâm tới kiểu sách này có thể đọc tham khảo các tóm tắt sách (từ nguồn đáng tin) để đánh giá xem cuốn sách có thực bổ ích không. Với một số cuốn, đọc tóm tắt thôi là đủ, khỏi đọc sách, nhất là khi bạn có rất ít thời gian.
Trái lại, các cuốn kiểu tree book và narrative thì khó lòng mà tóm và lược. Vì hàm lượng kiến thức trong những tựa sách này quá lớn, nên những bài tóm sách dễ lược mất ít nhiều những điểm quan trọng (chưa kể đến giới hạn kiến thức của người tóm tắt nữa). Các ứng dụng tóm tắt sách hiện đại như Blinkist cũng không có tác dụng nếu đụng vào hai kiểu sách này.
Hybrid book (sách lai)
Sách lai lại mở ra một chân trời cho bạn đau đầu mà lựa chọn vì nó tạo ra vô số tổ hợp. Một số tựa sách lai tôi có thể đem ra làm ví dụ như cuốn Being Mortal của Atul Gawande là dạng narrative+ branch book (ý tưởng chính là làm sao để chết giữa thế giới hiện đại, có lồng ghép chặt chẽ câu chuyện về cái chết của cha ông); hay cuốn The hard thing about hard things là kiểu narrative + tree (câu chuyện về hành trình khởi nghiệp và những bài học dành cho CEOs).
Tạm gác khái niệm sách lai qua một bên, đa số những tựa sách mà bạn gặp trên thị trường có thể xếp gọn vào ba cái rổ tôi nói ở trên. Tôi quyết định bỏ luôn ý định thêm vào thể loại sách thứ tư (những cuốn nặng về kỹ thuật chuyên môn, vì nó cần có một phương pháp đọc chuyên biệt). Thử đem ba cái rổ lọc sách này khi bạn ra nhà sách lần tiếp theo xem việc chọn sách có dễ hơn không nhé.
P/s: Ở trên tôi có chỉ điểm vài ví dụ và có thể làm cho bạn nghĩ branch book là không tốt. Không phải branch book nào cũng dở và ngược lại không phải tree book nào cũng bổ. Một số cuốn branch book như The Rise and Fall of American Growth, hay The Better Angels of Our Nature (tôi sẽ tìm một số tựa hay trong Tiếng Việt để thay vào đây, nếu bạn có gợi ý gì thì bình luận nha). Hai cuốn này sẽ đưa bạn lên một chuyến hành trình về miền kiến thức với những nghiên cứu và phong cách lập luận lôi cuốn.
04. Tới cách đọc
Bạn có thể đọc lướt với branch book và tuyệt đối đừng lướt với tree và narrative book. Với tree book, tôi thấy việc đọc chậm và phản tư (reflect) lại sau mỗi chương rất đã.
Với branch book, bạn có thể đọc lướt mà vẫn hấp thu một lượng kiến thức lớn. Peter Bregman từng giới thiệu cách ông dùng để đọc branch book như sau:
Đọc "profile" tác giả để hình dung được ông này theo đuổi ý tưởng nào, thành kiến và quan điểm ra sao.
Đọc tiêu đề, tiêu đề phụ, mục lục để có cái nhìn toàn cảnh về cách các luận điểm được trình bày và lập luận xuyên suốt của cuốn sách là gì.
Đọc chương mở đầu và kết thúc để coi tác giả gợi mở vấn đề như thế nào, và ông ta có đi được tới đích không?!
Đọc lướt từng chương: Đọc tiêu đề, một vài đoạn đầu, một vài trang đầu của một chương để xem tác giả định hướng lập luận như thế nào và lập luận này có bổ trợ cho cái ý tưởng lớn nhất của cuốn sách không. Đọc lướt qua các tiêu đề chính và phụ của mỗi chương để xem dòng chảy của lập luận, coi có mượt không. Đọc dòng đầu và dòng cuối của mỗi đoạn. Khi bạn đã nắm được cách tác giả điều hướng và đưa ra lập luận, bạn có thể bỏ qua các dẫn chứng được nêu ra (thường là những câu chuyện người thật việc thật lặp đi lặp lại).
Quay lại mục lục và tóm tắt những gì hiểu được ở từng chương.
Có nhiều người bạn của tôi từng bình luận rằng: Tôi rất hiểu cái lập luận cuốn sách cho tới khi tác giả lái tôi qua hết ví dụ này tới ví dụ khác. Lạm dụng ví dụ làm người đọc dễ làm phân tâm và làm nội dung chính mù mờ, khó hiểu.
Có thể bạn tôi không sai. Và cũng có thể bạn tôi đã chọn lầm một branch book. Tôi nghĩ căn nguyên của những tựa sách branch book dở là vì cái áp lực phải làm sách. Một người tác giả, doanh nhân, diễn thuyết nào đó có một ý tưởng hay và họ phải ngồi trình bày cho đủ 200 trang sách để được công nhận.
Với những cuốn branch book kiểu này, tôi khuyên bạn nên mua sách cũ, đọc nhanh, đọc tóm tắt, và bạo dạn hơn là khỏi đọc.
Theo The Common Blog
Nguồn bài viết: https://commoncog.com/blog/the-3-kinds-of-non-fiction-book/
Kiến thức là để sẻ chia, đã vậy còn free!
Nút share ở đây👇
Comments